Tù nhân qua các thời kỳ

Tiểu sử trước năm 1930

10:13:40 AM - 12/11/2013

4. LÃ XUÂN OAI (1838-1891):

Lã Xuân Oai tự Thúc Bào sinh ngày 21/11/1838, quê xã Thượng Đồng, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Đinh. Ông là con trai thứ 3 trong gia đình, tư chất thông minh đặc biệt. Lã Xuân Oai học rất giỏi, sở trường nhất là phú. Khoa thi Tân Dậu 1861, ông đỗ đầu bảng tú tài. Khoa Giáp Tý 1864, ông đỗ Á Nguyên. Năm sau vào kinh thi Lã Xuân Oai đỗ Phó bảng. Làm việc điện Kính Diên một năm ông được bổ nhiệm làm tri huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Tháng 3/1869, ông được bổ nhiệm tri phủ Nho Quan (Ninh Bình).

Tháng 9/1873, ông được đặc cách thăng Án sát sơn phòng sứ tỉnh Ninh Bình. Thời gian này bọn thổ phỉ bên Trung Quốc lợi dụng tình thế quấy nhiễu. Năm 1875, Lã Xuân Oai đi quân thứ Tuyên Quang đã cùng Hoàng Tá Viêm, Tôn Thất Thuyết đánh bắt tướng giặc Hoàng Sùng Anh.

Năm 1882, thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội rồi mở rộng đánh chiếm các tỉnh Bắc kỳ. Năm 1883, Lã Xuân Oai đang giữ chức sơn phòng sứ Ninh Bình được phong làm tuần phủ Lạng - Bằng. Ông đã tổ chức quan quân dưới quyền ra sức phòng thủ địa phương. Cũng trong năm 1883, Triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Ác-măng và ra lệnh cho tất cả các quan quân ở Bắc kỳ phải lập tức triệt binh để tỏ rõ tín nghĩa với Pháp. Lã Xuân Oai đã cự tuyệt lệnh đó và kiên trì kháng Pháp. Tuy nhiên, lực lượng phòng thủ địa phương trước đó đã không có gì đáng kể, lúc này lại càng vào thế cô lập. Lã Xuân Oai chủ động yêu cầu nhà Thanh viện trợ công cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.

Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Pa-tơ-nốt công nhận quyền thống trị của đế quốc Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Bất chấp tình hình đã vô cùng khó khăn, Lã Xuân Oai vẫn liên lạc với Tán dương Nguyễn Thiện Thuật, Đề đốc Tạ Hiên và Ngự sử Phạm Huy Quang để họ đem một số quân đông lên Lạng Sơn cùng đánh giặc.

Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn và hạ chiếu Cần Vương. Hàm Nghi đã thăng Lã Xuân Oai làm Tổng đốc Lạng - Bằng kiêm tham án đại thần. Phong trào kháng chiến duy trì thêm được một thời gian nhưng rồi những quan lại nhà Thanh ủng hộ Việt Nam đều bị rút về Bắc Kinh xử trí. Tình hình không còn cơ cứu vãn, Lã Xuân Oai phải tạm lắng sang Trung Quốc một thời gian mới trở về quê.

Năm 1887, Lã Xuân Oai trở về mở trường dạy học ở Ninh Bình, ngầm liên lạc với những nhóm sỹ phu yêu nước ở Phong Doanh, Ý Yên, Vụ Bản…Thượng Đồng lúc bấy giờ bừng bừng khí thế các lò rèn ngày đêm sản xuất khí giới.

Năm 1889, nghĩa quân nổi dậy chiếm huyện lỵ thì Pháp cho hai đội lính khố xanh từ Ninh Bình sang đàn áp.

Sau khi đốt phá, triệt hạ cả làng quân Pháp lùng bắt những người tham gia cuộc nổi dậy. Lã Xuân Oai cùng nhiều người khác ở Thượng Đồng và nhiều nơi có liên quan đều mang về giam ở Ninh Bình.

Còn Lã Xuân Oai bị thực dân Pháp kết án 10 năm đày Côn Đảo. Dưới chế độ hà khắc của nhà tù Côn Đảo cộng với tuổi cao. Năm 1891, Lã Xuân Oai mất trong ngục tù Côn Đảo, thọ 53 tuổi.

          Nguồn tư liệu: * Theo Côn Đảo thi tập, NXB. Lao động, 2005.

          5. NGUYỄN THIỆN KẾ (1849-1937):

Nguyễn Thiện Kế sinh năm 1849, tự Trung Khả, hiệu Đường Vân, quê ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông đậu cử nhân sau đó được bổ nhiệm làm quan. Dưới triều Nguyễn, một triều đại mà quân đội và quan lại triều đình giỏi đàn áp và bóc lột nhân dân nhưng lại hèn nhát trước giặc ngoại xâm. Chứng kiến cảnh thối nát đó, nhiều lần ông đã chống lại những chính sách của triều đình, chính vì thế ông bị cách chức để rồi sau đó lại được bổ dụng làm huấn đạo Hoàn Long, tri phủ huyện Tùng Thiện (Sơn Tây).

Sau hai hiệp ước Hácmăng (1883) và Patơnốt (1884) được ký kết dưới áp lực quân sự của tư bản Pháp đã đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước phong kiến Việt Nam và sự đầu hàng nhục nhã của triều Nguyễn trước Chủ nghĩa tư bản Pháp.

Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Nguyễn Thiện Kế cùng với anh là Nguyễn Thiện Thuật đã đứng lên chống Thực dân Pháp xâm lược tại căn cứ Bãi Sậy - Hai Sông (1883-1892), nghĩa quân đã chiến đấu anh dũng và làm hao tổn rất nhiều binh lính Pháp.

Tháng 11/1888, em của Nguyễn Thiện Dương tử trận trong khi giao chiến với quân Pháp. Ngày 11/11/1888, để trả thù cho em của mình, ông đã đưa hơn 400 nghĩa quân Bãi Sậy, cùng Đề đốc Nguyễn Văn Sung, Đốc binh Vũ Văn Đồng bất ngờ tấn công Hoàng Cao Khải cùng Giám binh Ney chỉ huy đồn Mỹ Hào khi hai người này đưa lính về gặt lúa tại Liêu Xá. Cuộc tấn công đã làm cho Hoàng Cao Khải phải cởi hết quần áo như một đứa trẻ trốn về Mỹ Hào và nhờ người đưa về Hải Dương còn Giám binh Ney thì chết ngay tại chỗ. Ngày 12/4/1892, trong trận đánh tại Bích Khê, Ngô Thấn (Gia Lương - Bắc Ninh) nghĩa quân Bãi Sậy bị thất bại nặng. Nguyễn Thiện Kế bị bắt tại Chợ Sơn (Tiên Sơn - Bắc Ninh). Thực dân Pháp đã tìm mọi cách để mua chuộc nhưng không được. Cùng năm đó ông bị đày ra nhà tù Côn Lôn.

Ông đã xem Côn Lôn như một trường học thiên nhiên để rèn luyện ý chí đấu tranh của mình. Nguyễn Thiện Kế nói riêng và những lớp tù đầu tiên bị Thực dân Pháp đày ra Côn Lôn nói chung đã dùng thơ ca như một vũ khí đấu tranh. Lòng yêu nước của ông không bao giờ tắt và vẫn đấu tranh để mong được ngày trở về tiếp tục đánh đuổi giăc Pháp. Nhưng đến lúc ngoài 70 tuổi ông mới được tha về và bị quản thúc tại quê nhà.

Năm 1937, Nguyễn Thiện Kế qua đời, thọ 88 tuổi.

          Nguồn tài liệu: * Theo Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng, NXB VHTT, 2001.         

        

          6. NGUYỄN SỤY (1857-1916):

Nguyễn Sụy hiệu là Hổ Tiếu, còn gọi là Nguyễn Thụy, quê làng Hổ Tiếu, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1903, Nguyễn Sụy đậu cử nhân tại trường thi Bình Định. Nguyễn Sụy tham gia phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi. Năm 1908, Nguyễn Sụy bị bắt và đày ra nhà tù Côn Đảo. Năm 1913, ông được trả tự do về sống ở quê nhà

Năm 1916, Nguyễn Sụy cùng Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phạm Cao Chẩm tổ chức cuộc khởi nghĩa Duy Tân tại Huế nhưng thất bại bị thực dân Pháp và triều đình Huế bắt sau đó xử chém tại Quảng Ngãi.

          Nguồn tài liệu: * Theo Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng, NXB VHTT, 2001.         

++ Tiếp theo

Bài viết liên quan

 

Gửi Cảm Nhận

  •  

    • imgUploaded 
    • imgUploaded