Tù nhân qua các thời kỳ

Tiểu sử trước năm 1930

10:12:16 AM - 12/11/2013

1. NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824- 1886): 

Quán làng An Cư, Triệu Phong, Quảng Trị, đậu cử nhân năm 1850. Từng làm Phụ chánh đại thần, thượng thư Bộ Hình, Sung Cơ Mật viện kiêm quản Thương bạc viện. Cùng với Tôn Thất Thuyết, ông xây dựng căn cứ ở Tân Sở, Quảng Trị, chuẩn bị công cuộc Cần Vương dưới hai triều Kiến Phúc và Hàm Nghi. Không đồng tình với chủ trương tấn công quân Pháp một cách liều lĩnh ở Huế, ông không theo Tôn Thất Thuyết mà ở lại, hy vọng dùng tài ngọai giao để cứu vãn tình thế. Người Pháp xem ông là kẻ thù nguy hiểm nhất bấy giờ. Khi bắt được ông, chúng đổ thuốc độc vào miệng rụng hết cả răng. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, ngày 28 tháng 7 năm Ất Dậu (1885), thống tướng De Courcy bắt quan nguyên phụ chánh Nguyễn Văn Tường, Hộ bộ Thượng thư Phạm Thận Duật Và Tôn Thất Đính đem đày ra Côn Đảo, sau đó đưa sang đảo Haiti (Santo Domingo). Ông mất ở đảo ấy vào ngày 31/7/1886.

          Nguồn tài liệu: * Theo Huyền thoại Côn Đảo, NXB Lao Động xã hội, 2008.

 

          2. PHẠM THẬN DUẬT (1825 – 1885):

 Phụ chánh đại thần triều Hàm Nghi từng giữ chức Hộ bộ Thượng thư, Cơ mật viện đại thần, Phó tổng tài Quốc tử giám. Trên đường ra Bắc để tổ chức Cần Vương, ông bị bắt ở Quảng Trị, bị đưa vào Gia Định và đày đi Côn Đảo ngày 6/9/1885. Sau đó bị đưa sang châu Phi nhưng dọc đường, khoảng eo biển Malaca, ông bị bệnh chết trên tàu (29/11/1885), bị ném xác xuống biển.

Nguồn tài liệu: * Theo Huyền thoại Côn Đảo, NXB Lao Động xã hội, 2008.

 

          3. TÔN THẤT ĐÍNH

Là thân sinh của Tôn Thất Thuyết, De Courcy bắt không được Tôn Thất Thuyết, bèn bắt ông thế mạng hòng dùng cha để lung lạc con. Không lung lạc được, chúng đày ông cùng một lúc với Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật.

Trong quyển bút ký Les Secrets des Iles Poulo Condore (Bí mật Côn Đảo), tác giả người Pháp Jean Claude Demriaux kể rằng ông đã từng bắt gặp trên vách tường hành lang Banh II những dòng chữ ghi tên mà ông phiên ra chữ quốc ngữ: NGUYEN VAN TRƯƠNG – PHAN TAN DUAT – NGUYEN VAN TUONG.

Theo Demariaux thì 3 vị quan lớn này được chở ra Côn Đảo bằng tuần dương hạm Clochetterie kèm theo bức mật hàm của De Courcy gửi cho chúa đảo Caffort, có lời dặn: “Tầm quan trọng chính trị của những tù nhân này đòi hỏi họ phải được giám sát hết sức nghiêm ngặt với bất cứ giá nào”.

Dựa vào những chi tiết đó, ta có thể xác định PHAN TAN DUAT tức Phạm Thận Duật. NGUYEN VAN TUONG tức Nguyễn Văn Tường. Còn NGUYEN VAN TRUONG (Trương hoặc Trường ?) là ai thì chưa xác minh được.

Trong thập niên cuối thế kỷ 19 còn có thêm nhiều quan chức và sĩ phu tên tuổi thuộc thế hệ Cần Vương bị đày ra Côn Đảo.

          Nguồn tài liệu: * Theo Huyền thoại Côn Đảo, NXB Lao Động xã hội, 2008.

++ Tiếp theo

 

Gửi Cảm Nhận

  •  

    • imgUploaded 
    • imgUploaded