Côn Đảo là một huyện đảo ở vùng biển Đông Nam Việt Nam, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là một địa bàn chiến lược trọng yếu không chỉ về vị trí địa lý mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc. Những phát hiện khảo cổ học từ thời Tiền sử và Sơ sử đã chứng minh sự hiện diện của người Việt cổ tại đây, khẳng định quá trình khai thác và xây dựng vùng đất này từ hàng ngàn năm trước.
Theo các chuyên gia khảo cổ, nhiều di chỉ quan trọng như Bến Đầm, Hòn Cau, Hàng Dương, Bàu Sen, cồn Miếu Bà, cồn Hải Đăng, và An Hải là minh chứng cho sự cư trú của người Việt cổ cách đây từ 2.200 đến 3.000 năm. Các phát hiện này thuộc văn hóa Sa Huỳnh hải đảo, cho thấy Côn Đảo không chỉ là nơi sinh sống mà còn là cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ – lãnh hải của dân tộc Việt Nam trên Biển Đông.
Mộ Vò cồn Hải Đăng có niên đại cách đây 2.500 năm
Nguồn: TTBTDTQGCĐ
Mộ Vò cồn Miếu Bà có niên đại cách đây 2.500 – 2.200 năm
Nguồn: TTBTDTQGCĐ
Đến thời kỳ các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, Côn Đảo bước vào giai đoạn phát triển mới, từ một hòn đảo hoang vắng trở thành một khu vực có sự hiện diện của quân đội, dân cư và cơ sở hạ tầng phát triển.
Dưới thời Chúa Nguyễn, Côn Đảo bắt đầu được khai thác với mục đích thu thập tài nguyên và phát triển nông nghiệp. Vào năm 1754, Chúa Nguyễn cử người ra đảo để thu lượm các sản vật. Đến thời nhà Nguyễn, dưới triều vua Gia Long, Côn Đảo chính thức được tổ chức thành một đơn vị hành chính thuộc Tấn thủ Cần Giờ, tỉnh Gia Định. Đến năm 1821, vua Minh Mạng tiếp tục các chính sách khuyến khích người dân di cư đến Côn Đảo để khai hoang đất đai, lập nghiệp và phát triển nông nghiệp. Những người di cư được miễn thuế và hỗ trợ tài chính để định cư trên đảo.
Trích bản dịch tiếng Pháp Dụ của Vua Minh Mạng năm thứ 2 (1821) về việc khai khẩn ở Côn Lôn
Nguồn: TTLTQGI
Với mục tiêu tăng cường an ninh và kiểm soát vùng biển, vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), đồn bảo Thanh Hải và pháo đài Thanh Hải được xây dựng trên đảo, góp phần tạo dựng một căn cứ quân sự vững chắc. Đồn bảo này có kết cấu kiên cố với bốn mặt, mỗi mặt dài 12 trượng, cao 5 thước và chân rộng 6 thước 3 tấc, giúp bảo vệ đảo khỏi sự tấn công của kẻ thù. Vị trí của Côn Đảo được đánh giá cao vì có nhiều dãy núi nhô lên, tạo điều kiện cho tàu thuyền có thể đỗ lại an toàn. Khu vực này cũng có nguồn tài nguyên phong phú với nhiều cá, tôm, đất đai màu mỡ, thủy thổ lành, và cảnh quan đẹp mắt. [1] Mặc dù Côn Đảo có điều kiện thuận lợi về tài nguyên, nhưng vì vị trí xa xôi và hẻo lánh, nơi đây vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút dân cư. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của triều Nguyễn, đảo này đã dần ổn định và phát triển. Vào năm 1839, Côn Đảo chính thức thuộc quyền quản lý của hạt Vĩnh Long. Năm 1840, cư dân nơi đây có khoảng 200 người sinh sống, cùng nhiều tù phạm được chuyển đến. Các ruộng đất đã được khai hoang, ước tính khoảng 150 mẫu. [2]
Cũng trong thời kỳ nhà Nguyễn, triều đình đã cử quân đội ra đảo để thu thập tài nguyên, phát triển nông nghiệp, đồng thời sử dụng nơi này làm nơi giam giữ những người phạm tội. Côn Đảo trở thành một địa danh ghi dấu những chiến lược quản lý và phát triển của triều Nguyễn.
[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 10, trang 142.. [2] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 12, trang 196.