Bagne I (banh I) còn có các tên: Lao I, Trại Cộng Hòa, Trại 2, tên cuối cùng (tháng 11/1974) được gọi là trại Phú Hải, do thực dân Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 19. Diện tích: 12.863m2, gồm 10 phòng giam tập thể; 1 phòng giam tù đặc biệt; 20 xà lim (hầm đá), Khu lao động khổ sai đập đá, Hầm xay lúa (vừa là nơi làm khổ sai xay lúa vừa là nơi đày ải nghiệt ngã đối với tù nhân), thời Mỹ – ngụy chuyển thành bệnh xá. Ngoài ra còn có các công trình phụ như: Câu lạc bộ, phòng hớt tóc, nhà bếp, nhà ăn, giảng đường, nhà nguyện, phòng trật tự, nhà kho, văn phòng giám thị và sân trại.
Có thể nói, các lớp tù nhân từ thời Cần Vương, Văn Thân chống Pháp như: chí sỹ Lã Xuân Oai, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Phan Chu Trinh,… đến các chiến sỹ cách mạng Việt Nam như: đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng,… đến thế hệ sinh viên học sinh xuống đường chống Mỹ – Thiệu bị bắt đều trải qua những năm tháng lao tù tại đây. Chi bộ cộng sản đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo được ra đời cuối năm 1932 tại Banh I này, sau phát triển thành Đảo ủy Côn Đảo. Banh I cũng là nơi những người cộng sản mở các lớp học văn hóa, lý luận, chính trị. Đặc biệt là khóa học Chủ nghĩa Mác- Lênin theo chương trình huấn luyện của Đại học Phương Đông do giáo sư Trần Văn Giàu phụ trách. Tại đây, một số tờ báo “Tiến lên”, “Ý kiến chung” được chuyển từ Banh II về năm 1935.
Khu đập đá: Chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh đã từng khổ sai ở đây và đã sáng tác bài thơ “Đập đá Côn Lôn”.
Năm 1957, Mỹ ngụy đã đưa 41 phụ nữ chống ly khai, tố cộng từ các nhà lao ở đất liền ra Côn Đảo. Đây là lớp nữ tù chính trị đầu tiên thời chống Mỹ bị đày ra nhà tù Côn Đảo.
Banh I là điển hình của chế độ khổ sai. Hầu như mỗi nơi trên mảnh đất Côn Đảo đều khắc sâu nỗi cực nhọc và thấm máu của người tù. Trong sự đày đọa khốn cùng, những người cộng sản, những người yêu nước phải quyết định vận mệnh, chịu chết mỏi mòn hoặc là đấu tranh để sống trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Người tù phải chống lại cả một bộ máy từ chúa đảo đến nhiều gác ngục và tay sai… Điều đó, đòi hỏi người tù cộng sản phải được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, hình thức đấu tranh thích hợp. Nơi đây còn là hiện thân của “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Thời Mỹ – ngụy, địch dùng mọi biện pháp từ dụ dỗ, đến những thủ đoạn để ép buộc tù chính trị ly khai Đảng Cộng sản… Năm 1957, đây là nơi khởi đầu cuộc đấu tranh chống ly khai Đảng cộng sản của tù chính trị câu lưu, ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị Côn Đảo.
Banh I đã trải qua 113 năm với bề dày lịch sử ngang tuổi nhà tù còn lưu lại nhiều dấu ấn anh hùng trong cuộc đấu tranh lâu dài và bất khuất của những người yêu nước và cách mạng Việt Nam tại ngục tù Côn Đảo.
Ngày 29/4/1979, di tích trại Phú Hải đã được Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra Quyết định số 54-VHTT.QĐ đặc cách công nhận Khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.