Sáng nay, ngày 21 tháng 8 năm 2014 (nhằm ngày 26/7 năm Giáp Ngọ), Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân huyện Côn Đảo long trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 72 của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Khu A – Di tích Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo. Đây là hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, với lòng tri ân, tưởng nhớ của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo thiêng liêng.
Các Đại biểu đang dâng hương trước phần mộ Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
Tham dự buổi lễ có các đại biểu đại diện cho Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Côn Đảo do đồng chí Châu Anh Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu; các bác cựu tù chính trị Côn Đảo; cùng các đoàn khách nhân chuyến thăm quan và công tác tại huyện Côn Đảo.
Đồng chí Châu Anh Kiệt – Phó Chủ tịch UBND (bên phải) và
Đ/c Phan Hoàng Oanh – Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo đang dâng hương
Trong không khí trang nghiêm và xúc động của buổi lễ, đồng chí Phạm Thị Tám – Phó Trưởng ban Quản lý Di tích Côn Đảo đã đọc lời tưởng niệm ôn lại cuộc đời hoạt động cũng như truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng chí Lê Hồng Phong.
Đồng chí Phạm Thị Tám đọc lời tưởng niệm ôn lại cuộc đời của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
Tháng 9/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị địch bắt lần thứ 2 và giam tại khám lớn Sài Gòn nhưng không có bằng chứng để buộc tội. Cuối cùng chúng kết án đồng chí 5 năm tù với tội danh “Chịu trách nhiệm về cuộc Nam kỳ Khởi nghĩa” và đày ra Côn Đảo.
Trong những năm tháng bị tù đày ở Côn Đảo, đức độ của người cộng sản Lê Hồng Phong vẫn tiếp tục tỏa sáng: “Sống để phấn đấu cho lý tưởng cách mạng nhưng sẵn sàng chết cho sự nghiệp cách mạng”. Những ngày cuối cùng đồng chí bị cấm cố tại xà lim Lao II, bọn cai ngục đánh đập dã man trong lúc đang ăn cơm, đồng chí vẫn thản nhiên ngồi ăn bát cơm chan máu và nói: “Gươm giáo của kẻ thù có thể chặt đứt thép gang, nhưng nó phải oằn đi khi chặt phải dũng khí của người cộng sản”.
Với căn bệnh kiết lỵ, chế độ ăn uống thiếu thốn, kèm theo những trận đòn tra tấn hàng ngày cùng tình trạng vệ sinh vô cùng tồi tệ tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại xà lim số 5 vào ngày 06/9/1942. Trước lúc đi xa, đồng chí còn căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong này vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, sống vì Đảng vì dân, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.