Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, đồng thời thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ đến công lao to lớn của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã chiến đấu anh dũng và hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo.
Sáng ngày 06/9/2015, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân huyện Côn Đảo long trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 73 của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại khu A – Di tích Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo.
Tham dự có đồng chí Lê Văn Đức – Phó Bí thư thường trực huyện ủy, các bác CTCT Côn Đảo, lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang, 10 khu dân cư, cùng CCVC Ban Quản lý Di tích Côn Đảo. Đặc biệt, lễ giỗ lần này có sự tham dự của đoàn HĐND thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Lê Hoài Trung – Phó chủ tịch thường trực HĐND thành phố Bảo Lộc dẫn đầu.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động của buổi lễ khi nghe ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của đồng chí Lê Hồng Phong.
Đồng chí Lê Hồng Phong sinh năm 1902, người con ưu tú của quê hương Nghệ An – vùng đất “Địa linh nhân kiệt”. Đồng chí là người có công lao rất lớn trong việc khôi phục lại hệ thống của Đảng trong những năm 30 của thế kỷ XX. Tên tuổi đồng chí gắn liền với giai đoạn đầy thử thách, quyết liệt của cách mạng Việt Nam. Người nêu cao tấm gương lẫm liệt trong nhà tù Côn Đảo. “Sống để phấn đấu cho lý tưởng cách mạng nhưng sẵn sàng chết cho sự nghiệp cách mạng”.
Năm 1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 5 năm đày ra nhà tù Côn Đảo. Bất chấp chế độ lao tù cấm cố, Lê Hồng Phong đã thể hiện phẩm chất, năng lực của một nhà lãnh đạo Đảng, đồng chí đã biến ngục tù của thực dân trở thành trường học đấu tranh cách mạng, nơi mà phẩm chất và ý chí của những chiến sĩ cách mạng được trui rèn khiến cho kẻ thù phải nể phục và khiếp sợ: “Gươm giáo của kẻ thù có thể chặt đứt thép gang, nhưng nó phải oằn đi khi chặt phải dũng khí của người cộng sản”.
Dưới chế độ lao tù hà khắc của nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong đã mang trọng bệnh và trút hơi thở cuối cùng tại xà lim số 5 của Banh II vào ngày 06/9/1942. Trong những phút giây cuối cùng đồng chí đã chuyển tới Đảng lời nhắn gửi sắc son: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Ngày nay, để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người lãnh đạo xuất sắc của Đảng, trên khắp cả nước nhiều ngôi trường, nhiều con đường mang tên Lê Hồng Phong. Tên tuổi của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã mãi mãi đi vào làm rạng danh lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Côn Đảo tại phần mộ Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong