Làm báo trong tù

Giữa giam cầm, tra tấn, đói khát, bệnh tật, không giấy, không bút, việc một trại tù chỉ trong 1 năm đã cho ra mắt hơn 10 đầu báo với khoảng 50 số là một kỳ tích. Câu chuyện đằng sau thật khó có thể tưởng tượng nổi.

Trang bìa báo Xây dựng của tù nhân Côn Đảo,

Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo

 

Nhà tù Côn Đảo là nơi bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ áp dụng chế độ lao tù khắc nghiệt, kiểm soát, cách ly gần như tuyệt đối, thường xuyên khủng bố, đàn áp dã man hòng làm tê liệt ý chí chiến đấu của các thế hệ chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Thế nhưng, vượt lên tất cả mọi cấm đoán của kẻ thù và trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, người tù chính trị Côn Đảo đã có những việc làm mà người ngoài cuộc khó có thể hình dung được: Làm báo trong tù.

Trong quá trình tìm hiểu về chuyện làm báo trong tù, chúng tôi từng có dịp trò chuyện với Anh hùng Lao động Bùi Văn Toản, tù chính trị tại Côn Đảo giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đồng thời là một trong những người trực tiếp tham gia làm báo trong tù. Với những kỷ niệm về “một thời làm báo” giữa chốn “địa ngục trần gian”, ông đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin thú vị xung quanh vấn đề này. Giờ đây, khi viết lại những chia sẻ quý giá này, chúng tôi không khỏi xúc động khi ông đã rời xa cõi tạm.

Giữa cảnh đọa đày

* Tại sao những tù nhân Côn Đảo quyết định làm báo, ở một nơi mà sự tự do gần như bị tước bỏ hoàn toàn? Báo chí có ý nghĩa như thế nào đối với các tù nhân trong bối cảnh ấy thưa ông?

Việc làm báo của tù chính trị Côn Đảo giai đoạn kháng chiến chống Mỹ chỉ diễn ra tại Khu B Trại 6, từ cuối năm 1972 đến hết năm 1973. Đây là nơi giam giữ lực lượng tù câu lưu đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết cách mạng ở nhà tù Côn Đảo và là trọng điểm đánh phá quyết liệt của kẻ địch.

Hơn 5 năm rưỡi đọa đày trong chuồng cọp, cách ly từng cá nhân hoặc từng nhóm nhỏ với thế giới bên ngoài, đến cuối năm 1969, kẻ địch phải giải tỏa đưa tù nhân đến giam cầm trong phòng lớn tại Trại 1. Cuối năm 1971, địch chuyển họ xuống giam tại Khu A Trại 6 (sau đổi tên gọi Khu B). Tinh thần đấu tranh của anh em càng thêm quyết liệt, bền bỉ, sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ lý tưởng cách mạng của tập thể trại tù.

Chỉ trong một năm, trại tù tiến hành 10 cuộc đấu tranh tuyệt thực, với 47 ngày nhịn đói, làm cho kẻ địch phải chùn tay, chấp nhận nới lỏng một số quy định khắt khe để xoa dịu phong trào đấu tranh: Được mở cửa luân phiên phân nửa trại giam mỗi buổi 2 giờ, được cử đại diện, quản lý y tế, tham gia quản lý nhà bếp và được tự túc sản xuất rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày, mỗi tháng được viết thư thăm gia đình.

Tuy nhiên, giai đoạn này tù nhân phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống hằng ngày: Đói khát, bệnh tật, chết chóc diễn ra tràn lan. Tình hình làm cho tinh thần mọi người luôn căng thẳng.

Chủ trương của Đảng ủy trại tại cuộc kiểm điểm sau cuộc đấu tranh tuyệt thực ròng rã 19 ngày là: Vừa tiến hành đấu tranh đòi địch giải quyết các yêu cầu trong cuộc sống, vừa phát triển các loại hình sinh hoạt tinh thần, trong đó có việc làm báo, trước mắt ở từng phòng, sau phát triển ra quy mô toàn trại.

Việc báo chí ra đời ở Khu B Trại 6 cũng là điều tất yếu tại một trại tù đấu tranh quyết liệt nhất ở Côn Đảo. Khi khí thế cách mạng trong cả nước tiếp tục dâng cao, tù nhân đấu tranh giành quyền làm chủ từng phần trong trại giam, biến nơi đây thành một “lõm giải phóng” ngay trong chốn ngục tù. Bên cạnh đó, trại tù đã có được một Bộ Tham mưu chiến đấu vững vàng, nhạy bén và biết phát huy mọi khả năng cống hiến của từng cá nhân trong tập thể. Đó chính là điều kiện cần thiết để những người tù chính trị phát triển nhiều loại hình sinh hoạt bổ ích, trong đó có việc làm báo.

Một trang báo xuân của các “nhà báo” Côn Đảo

Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo

Biến cái không thể thành cái có thể

* Việc một trại tù chỉ trong gần 1 năm đã cho ra mắt hơn 10 đầu báo với khoảng 50 số quả là một kỳ tích, thể hiện bản lĩnh và tinh thần chiến đấu ngoan cường của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh ngục tù. Giam cầm, tra tấn, đói khát, bệnh tật, không giấy, không bút – những tờ báo đã ra đời bằng cách nào thưa ông?

Chủ trương làm báo được tập thể đồng tình, lực lượng thực hiện có thừa nhưng những yêu cầu tối thiểu cho việc ra mắt tờ báo, tập nội san chỉ là con số không tròn trĩnh: Không giấy, không bút mực vì đây là những thứ kẻ địch cấm đoán tuyệt đối.

Nhưng rồi, tập thể dạn dày trong chiến đấu ác liệt, với tinh thần phát huy kinh nghiệm, sáng tạo của từng cá nhân trong khó khăn thiếu thốn, những người tù ở Khu B Trại 6 đã biết cách biến cái không thể thành có thể mà bình thường rất khó hình dung được.

Giấy

Bằng công tác binh, địch vận, tranh thủ thông qua y tế, nhà bếp và cả trật tự, chúng tôi có được những tập vở học sinh cùng những chiếc ruột bút bi hiệu “Bic”. Số lượng rất hạn chế nhưng cũng đủ đáp ứng yêu cầu.

Loại giấy trên chỉ được dùng để viết bản chính thức còn bản thảo thì phải tận dụng tất cả thứ gì có thể để viết như bao thuốc lá, thùng carton, vỏ bao xi măng, giấy gói bưu kiện… mà người nhà gửi vào. Tất cả phải đem ngâm nước tách mỏng thành nhiều tờ, đến khi không còn tách được nữa mới thôi. Nếu không, chắc chắn sẽ bị phê bình là lãng phí! Men theo thành giếng, hồ nước, chỗ nào cũng có giấy phơi. Bao thuốc lá viết được 3 mặt, tờ giấy xi măng viết 4 mặt, một miếng thùng carton 3 lớp viết đến 6 mặt.

Bút, mực

Ruột bút không thể mua nhiều được nên chỉ dùng cho việc viết bản chính thức. Xài hết, anh em tự chế mực, bơm vô xài tiếp.

Công thức làm mực trong tù tuy đơn giản nhưng cũng trải qua nhiều công đoạn thử nghiệm đến toát mồ hôi. Chúng tôi sử dụng gói thuốc nhuộm đen mua được trong lúc địch cho bán hàng tiếp liệu (thuốc này vốn được dùng để nhuộm quần áo cho đỡ dơ vì không có xà bông) trộn chung với glycérine có ở bộ phận y tế (loại thuốc bơm thụt hậu môn để chống táo bón) đem đun trên ngọn lửa nhỏ cho đến khi cô đặc lại theo ý muốn, sau đó bơm vào viết. Nhưng có lúc mực không xuống, có lúc mực chảy tèm lem, anh em lại mày mò, rút kinh nghiệm, tiếp tục điều chỉnh cho đến khi cảm thấy đạt yêu cầu, cuối cùng cũng được một loại mực tạm vừa ý, có thể dùng được. Những trang viết trong các tập báo có nét đậm, chính là đã sử dụng loại mực tự tạo này. Nhược điểm của loại mực tự tạo là lâu khô và hay thấm sang mặt sau trang giấy, buộc người viết phải hết sức cẩn thận. Bút hết mực, chúng tôi dùng kim vá áo đẩy hòn bi ra rồi kê miệng hút mực vào đầy ống, lắp bi lại là có thể xài tiếp. Nhiều khi hút mạnh, mực trào vào miệng, mấy ngày trời cũng không sao tẩy sạch vết đen. Nhưng có được như thế đã tốt lắm rồi, không ai phàn nàn gì cả.

Để trang trí cho bìa và các tựa bài viết, chúng tôi tự chế mực với các loại màu sắc. Màu vàng chế từ bột nghệ – vốn là quà của gia đình gửi ra dùng làm thuốc bổ phổi hoặc ngâm vài viên thuốc bọc đường có màu vàng bên ngoài là xong. Màu đỏ lấy từ thuốc đỏ của y tế hoặc lớp vỏ đỏ bọc ngoài viên thuốc. Màu xanh dương là màu của bleu méthylène – thuốc trị ghẻ. Có mấy màu cơ bản đó thì tha hồ pha chế theo ý muốn.

Cọ vẽ sẵn cả kho, muốn lúc nào cũng có, cỡ nào cũng sẵn. Những nhánh dương tươi, cọng chổi quét nhà, cứ lột hết vỏ, vót xéo đầu rồi cắn dập ra, thế là tha hồ sử dụng.

Rất nhiều điều toát lên từ một trang báo: Ý chí quyết tâm, tinh thần lạc quan, nội dung phong phú, làm báo chuyên nghiệp…

Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo

Viết bài

Đối tượng tham gia viết bài chủ yếu vẫn là thanh niên, sinh viên, những bàn tay không quên cầm bút viết dù trong cảnh lao tù. Nhưng bên cạnh đó, những người đã đến lục tuần (mà ngoài đời, khi nhìn, chắc ai cũng đoán không dưới 80) cũng tích cực tham gia. Sulfarlem Lê Đình Toán, Bắc Ninh, cụ già đã bị “nhập hộ khẩu Côn Đảo” trước 1945, cụ AK Huỳnh Tài (Đại Lộc, Quảng Nam) – một diễn viên hát bộ trong tù vẫn thường xuyên góp bài cho “Xây dựng”. Vi trùng Koch tấn công nát hai buồng phổi, phải tạm trú lâu dài trong bệnh xá mà hai cụ vẫn lạc quan, ngồi nắn nót từng dòng.

In ấn

Công tác in ấn có cả một đội ngũ biên soạn không còn tính đến giờ giấc. Vẽ bìa, trình bày… đều có phân công rõ ràng. Khỏe cũng chép, mệt cũng chép, bị bệnh, ra máu vẫn ráng chép. Đói, bệnh không làm họ bận lòng, miễn báo ra mắt đúng ngày dự định. Một hình ảnh nhỏ nhiều người thường chứng kiến là trong một góc phòng giam với ánh sáng lờ mờ, khó nhìn rõ mặt, người chép báo căng mắt, còng lưng bên chiếc thùng carton dùng đựng quần áo và đồ dùng, chăm chú nắn nót từng con chữ, đôi lúc phải dừng lại vì cơn ho rồi khạc ra một búng máu tươi vào chiếc lon. Anh không dừng tay mà tiếp tục xin được viết cho xong tờ báo.

Có lúc địch đang tấn công các dãy phòng đối diện, ở bên này anh em vẫn tiếp tục chép bài cho kịp ngày ra mắt. Người chép cứ chép, người chuẩn bị hủy đã phải sẵn sàng. Nếu địch tấn công, lực lượng bảo vệ chặn cửa giằng co, trong góc phòng, một que kẽm gai đánh xuống nền phòng giam, tia lửa bắn vào đầu con cúi, thêm vài hơi thổi, lửa sẽ cháy bùng và toàn bộ bản thảo, phút chốc biến thành tro. Anh em quyết không để rơi vào tay địch, dù chỉ một trang viết.

Chép xong, đóng tập, xén cạnh cho đúng kích thước 13x19cm, bằng chiếc dao cưa ống thuốc mài sắc cạnh. Xong xuôi, anh em ấn loát mới thở phào nhẹ nhõm, chuẩn bị bắt tay vào tập kế tiếp.

Nhuận bút, thù lao

Nhuận bút, thù lao cho tác giả và người chép bài không phải là điếu thuốc rê mà là nét mặt hồ hởi và những lời bình phẩm của đồng đội.

Báo sau khi phát hành, đến tay từng độc giả, được gom lại, bọc một lớp nilon, cho vào chai thủy tinh, phân công người đem chôn cất, vì không nỡ hủy và không để cho địch lấy được, chứ chưa nghĩ đến việc lưu giữ cho ngày sau.

Cập nhật thông tin

* Việc làm báo trong tù quả là hết sức công phu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, các “nhà báo” trong tù làm cách nào để nắm bắt được tình hình bên ngoài?

Ngay những ngày đầu năm 1973, trại có 2 radio do ông Phạm Văn Ba mang theo trong chuyến lưu đày cuối tháng 12-1972. Sang năm 1974 trại có thêm 1 chiếc radio nữa từ anh em ở nhà bếp mua được chuyển vào. Đây là phương tiện cung cấp thông tin thường xuyên cho tù nhân.

Radio – người bạn đồng hành cung cấp thông tin cho các “nhà báo” trong phòng giam

Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo

Việc theo dõi radio hoàn toàn bí mật. Tôi có may mắn được phân công theo dõi và bảo quản chiếc radio lớn cho đến giải phóng, phải tạo chỗ cất giấu bí mật ngay cả trong nội bộ, việc theo dõi được tiến hành ban đêm sau giờ giới nghiêm. Những gì nghe được, tôi ghi tốc ký trong bóng tối, hôm sau chép lại trên giấy rồi chuyển cho Bí thư Đảng ủy trại.

Từ đó tin tức được phân loại và Đảng ủy phân công người chép theo từng loại. Loại tin tức chỉ phổ biến trong lãnh đạo và loại tin tức phổ biến rộng rãi trong trại giam. Thêm người thứ ba chép ra mỗi thứ 10 bản để gửi đến từng phòng. Cứ hai ngày, anh em trong phòng được nghe phổ biến tin tức thời sự. Khoảng hai tháng một lần, toàn trại lại được nghe thuyết trình có phân tích, đánh giá tình hình chung và âm mưu thủ đoạn của địch.

Làm phong phú thêm lịch sử báo chí cách mạng

* Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, khi cái chết luôn rình rập, liệu ông có bao giờ nghĩ rằng những tờ báo mình làm ra sẽ được lưu giữ và có ý nghĩa lớn lao như vậy trong lịch sử?

Khi đó, không một ai có thể hình dung được ngày mai của chính mình, bởi cái chết luôn rình rập cận kề. Cho nên không ai nghĩ đến việc những tờ báo mình làm ra sẽ được lưu giữ trong bao lâu và mai sau, lịch sử sẽ đánh giá thế nào. Nhưng những gì tưởng đã thất lạc hoàn toàn lại lần lượt được hiện ra. Dù số lượng các tờ báo tù được nhắc đến, được sưu tầm và thống kê lại cho đến hôm nay còn rất khiêm tốn nhưng thiết nghĩ cũng đủ để chúng ta khẳng định báo chí rất cần thiết trong đời sống tinh thần của con người.

Việc những người tù chính trị Côn Đảo làm báo, dù trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, bị kiểm soát, khống chế gắt gao, kể cả những trận khủng bố đàn áp đẫm máu, suy cho cùng là điều tất yếu thể hiện bản lĩnh và quyết tâm của các chiến sĩ yêu nước trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Những tờ báo của tù nhân Côn Đảo thể hiện tinh thần lạc quan trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu độc lập tự do cho tổ quốc và đã góp phần làm phong phú thêm lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

* Xin chân thành cảm ơn ông!

Share:

Mang đến cho bạn những chuyến đi tuyệt vời

“Vượt ngục – Khát vọng tự do của tù nhân Côn Đảo”

Con thuyền lướt sóng nhẹ như bay Quyết vượt trùng dương chẳng kể ngày Nhằm thẳng mục tiêu theo một hướng Xoay tròn trời biển vững đôi tay. Trải qua trong suốt 113 năm “Địa ngục trần gian” thực dân Pháp và Mỹ ngụy đã giam cầm nhiều chí sỹ yêu nước, chiến sỹ cách

Nhà tù Côn Đảo – Từ “địa ngục trần gian” đến trường học đấu tranh cách mạng

Nhà tù Côn Đảo – “Địa ngục trần gian” giữa biển khơi Nhà tù Côn Đảo, dưới sự cai trị của thực dân Pháp và chính quyền Mỹ –  Việt Nam Cộng hòa, đã trở thành một biểu tượng của sự tàn bạo và khốc liệt. Với mục đích giam giữ và tra tấn các