Sáng ngày 24/12/2016. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Côn Đảo long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm lần thứ 55 của AHLLVTND Việt Nam Lưu Chí Hiếu (24/12/1961-24/12/2016) tại Đền thờ Côn Đảo.
Tham dự lễ có đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đại diện các ban ngành, đoàn thể, các Cựu tù chính trị, lực lượng vũ trang cùng các đoàn khách nhân chuyến tham quan và làm việc tại Côn Đảo.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của AHLLVTND Việt Nam Lưu Chí Hiếu.
Đồng chí Lưu Chí Hiếu (tên thật Lưu Đình Tập), sinh năm 1913 tại xã Trực Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Xuất thân là thợ giày, đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, vào hoạt động tại Sài Gòn từ năm 1942. Tháng 7/1954, Lưu Chí Hiếu được điều về Ban công vận Quận ủy Q.1- Thành ủy Sài Gòn Gia Định, trực tiếp phụ trách các nghiệp đoàn. Ngày 06/7/1955 đ/c bị địch bắt sau đó bị đày ra Côn Đảo vào ngày 20/3/1957.
Ra đến Côn Đảo Đ/c đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những chiến sĩ kiên trung, chống thủ đoạn cưỡng bức, chống ly khai đảng. Liên tục trong suốt 4 năm liền (1957 – 1961), càng bị địch tra tấn, hành hạ Đ/c Lưu Chí Hiếu càng tỏa sáng phẩm chất cao quý của người cộng sản. Khi lực lượng chống ly khai chỉ còn lại 7 người, bị địch giam giữ ở Chuồng cọp Pháp, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng đ/c Lưu Chí Hiếu luôn là người thể hiện bản lĩnh và kiên định lập trường, đồng chí còn nói với đồng đội: “Đảng dạy chúng ta chiến đấu chứ không dạy chúng ta đầu hàng. Dẫu chúng ta có hy sinh đến người cuối cùng thì thời gian và lịch sử sẽ báo cáo lại với Đảng, với Bác. Không thể ly khai được. Ly khai là làm sai tiếng nói của lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta. Ly khai là cướp không xương máu của những người đã hi sinh”.
Đó là bản cam kết quyết tử chống ly khai của đ/c Lưu Chí Hiếu. Bọn gác ngục đã điên cuồng tấn công. Mùa đông năm 1961 địch khiêng hàng chục khạp nước lạnh, vôi bột lên Chuồng Cọp để xối xuống đầu các chiến sĩ chống ly khai suốt ngày đêm. Những trận đòn không ngừng cùng với chế độ ăn uống vô cùng tồi tệ, đồng chí đã hy sinh vào đêm 24/12/1961. Sự hy sinh oanh liệt của Lưu Chí Hiếu đã chặn đứng đợt khủng bố của kẻ thù. Người bạn cùng thời chiến đấu với Lưu Chí Hiếu là đ/c Phan Trọng Bình đã từng tâm sự với đồng đội: “Trong chúng ta, nếu có người không phút giây nào dao động thì người đó là Lưu Chí Hiếu và ông già Cao Văn Ngọc. Đó là hai con người mà tâm hồn, tư tưởng, phẩm chất sáng trong như viên ngọc quý”.
Ngày 03/02/1972, noi gương tinh thần đấu tranh kiên cường của đ/c, lực lượng tù chính trị Câu lưu tại Trại VI (Khu B) đã thành lập Đảng bộ mang tên người Anh hùng Lưu Chí Hiếu. Ngày 23/02/2010, Đ/c vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quí: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”.
Đồng chí Lưu Chí Hiếu đã hiến trọn tuổi thanh xuân vì sự trường tồn của dân tộc, đã để lại tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lễ tưởng niệm là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau./.