LỄ TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 73 CỦA CHÍ SĨ YÊU NƯỚC NGUYỄN AN NINH

       Hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh Nước CHXHCNVN (02/9/1945 – 02/9/2016). Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, tưởng nhớ sự hy sinh to lớn của những người Việt Nam yêu nước, các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc và đã hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo.

         Sáng ngày 16/8/2016 (nhằm ngày14/7 năm Bính Thân), Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân huyện Côn Đảo đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 73 của chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh tại Đền thờ Côn Đảo.

        Tham dự lễ có đồng chí Nguyễn Anh Tài – UVTV. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các bác CTCT Côn Đảo, đại diện 10 khu dân cư cùng các đoàn khách nhân chuyến tham quan và làm việc tại Côn Đảo.

         Trong không khí trang nghiêm và xúc động của buổi lễ các đại biểu đã cùng nhau ôn lại tiểu sử và truyền thống đấu tranh, lòng yêu nước thủy chung, son sắc của Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.

         Nguyễn An Ninh sinh năm 1900 tại Cần Giuộc, Chợ Lớn (nay tỉnh Long An). Thuở nhỏ, Ông học ở Sài Gòn, sau đó du học ở Pháp, gần 5 năm tham gia hoạt động ở Pháp trong nhóm “Người Việt Nam yêu nước” gồm: Nguyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh còn được gọi là nhóm “Ngũ long”. Hoạt động sôi nổi nhất của Ông được bắt đầu bằng những bài diễn thuyết các đề tài “Xây dựng một nền văn hóa cho người Việt nam”“Lý tưởng của thanh niên Việt Nam”, bài diễn thuyết “Cao vọng thanh niên” của Ông ở Sài Gòn vang vọng như một bản tuyên ngôn, kêu gọi thanh niên và giới trí thức về ý thức thân phận của người dân mất nước mà hành động. Ông cùng với Phan Văn Trường xuất bản tờ báo “Tiếng Chuông rè” tại Sài Gòn để tuyên truyền và cổ động cho quyền tự do dân chủ của nhân dân, Ông còn cho ra đời nhiều bài viết khác và đã gây nhiều tiếng vang trong đông đảo công chúng lúc bấy giờ.

        Quá trình hoạt động cách mạng, Ông nhiều lần bị địch bắt, giam cầm tại nhiều nhà lao, lần thứ 5 bị bắt vào tháng 10/1939, Ông đã bị kết án 5 năm tù đày đi Côn Đảo. Dưới chế độ hà khắc của nhà tù Côn Đảo, ngày 14/8/1943 nhằm ngày 14/7 Âm lịch Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh đã trút hơi thở cuối cùng, trước những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình Ông vẫn không thôi nói lên lòng gắn bó với cách mạng: “Tôi nguyện làm một chiến sĩ vô danh của Đảng, dù không phải là Đảng viên nhưng tim tôi đã hoàn toàn thuộc về Đảng”.

        Chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh đã hiến trọn tuổi thanh xuân vì sự trường tồn của dân tộc, đã để lại tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau. Lễ tưởng niệm được tổ chức trang nghiêm, thành kính theo đúng nghi thức cổ truyền .

        Cũng nhân dịp này đoàn Lãnh đạo Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ y tế dẫn đầu nhân chuyến công tác tại huyện Côn Đảo đã đến dâng hương tại phần mộ Chí sĩ Nguyễn An Ninh, Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nữ Anh hùng Võ Thị Sáu và các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo.

 

 

 

Share:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mang đến cho bạn những chuyến đi tuyệt vời

TỔNG KẾT PHONG TRÀO THI ĐUA THỰC HIỆN MÔ HÌNH TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

ĐẢNG BỘ DI TÍCH QUỐC GIA CÔN ĐẢO TỔNG KẾT PHONG TRÀO THI ĐUA THỰC HIỆN MÔ HÌNH TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA TẠI KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT CÔN ĐẢO Thiết thực chào mừng kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bình Giã