LỄ TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 83 NGÀY HY SINH AHLLVTND VŨ VĂN HIẾU (26/4/1942 – 26/4/2025)

Để ghi ơn và tưởng nhớ đến sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo thiêng liêng. Sáng ngày 26/4/2025, Bảo tàng – Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cơ sở tại Côn Đảo) long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm lần thứ 83 ngày hy sinh của AHLLVTND Vũ Văn Hiếu. Đây là hoạt động thường xuyên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Là dịp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp của các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước, trong đó đồng chí Vũ Văn Hiếu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tham dự lễ tưởng niệm có Ban Giám đốc cùng Viên chức, Người lao động của đơn vị, quý du khách nhân chuyến tham quan và làm việc tại Côn Đảo. Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã thành kính dâng dương, dâng hoa và cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường của đồng chí Vũ Văn Hiếu.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/3/1907 trong một gia đình nông dân nghèo tại ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Là người có tri thức, thông minh, Vũ Văn Hiếu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở thị xã Hòn Gai giao. Tháng 11/1929, đ/c Vũ Văn Hiếu đã được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, với bí danh là Sơn, đồng chí được chi bộ giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở khu vực Hà Tu – Núi Béo (Hà Lầm). Khi chi bộ được thành lập đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ và sau đó tháng 4/1930 là bí thư Đảng ủy mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả.

Ngày 09/02/1931, Vũ Văn Hiếu bị bắt lần thứ hai ngay tại trụ sở cơ quan Đảng ủy mỏ Cẩm Phả –  Cửa Ông. Hơn ba tháng tra tấn nhưng không sao khuất phục được người Bí thư đầu tiên của đảng bộ Đặc khu mỏ. Toà án thực dân Pháp đã liệt đồng chí vào “hạng lãnh tụ có huấn luyện trong các trường” “là loại nguy hiểm nhất”. Địch kết án đồng chí 20 năm tù cấm cố và đày ra Côn Đảo.

Tại nhà tù Côn Đảo, Vũ Văn Hiếu bị giam ở Banh II cùng với các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Lê Quốc Trọng…. Là người giỏi tiếng Pháp, Vũ Văn Hiếu được phân công bảo vệ tài liệu, chép và dịch sách kinh điển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Năm 1936, Mặt trận bình dân Pháp thắng cử đã chủ trương xóa bỏ án tù chính trị ở các xứ thuộc địa. Vũ Văn Hiếu được đưa về đất liền trả tự do cùng với hơn hai trăm tù chính trị khác.

Ngày 18/01/1940, mật thám Pháp vây chặt cơ quan Trung ương Đảng ở đường Nguyễn Thế Nghiệm tại Sài Gòn. Đầu năm 1941, đồng chí bị địch đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Biết mình không thể sống nổi vì đã kiệt sức, tranh thủ lúc đ/c Lê Duẩn lại gần, Vũ Văn Hiếu đã cởi chiếc áo của mình trao cho đồng chí Lê Duẩn với lời nhắn “Tôi sắp chết rồi, tôi nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ Đảng đến phút cuối cùng, tôi có chết trần truồng cũng không sao, áo đây đồng chí mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng ” . Thương bạn tù da bọc xương đang run lên vì lạnh, đồng chí Lê Duẩn không nhận, Vũ Văn Hiếu nói: “Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn có việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng, sao đồng chí không nhận?”. Từ đó, sức khỏe ngày càng yếu nhiều cộng với chế độ hà khắc của nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 26/4/1942. Sự hy sinh và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu, tình đồng chí, đồng đội lòng trung thành với Tổ quốc, với lý tưởng cộng sản.

Ngày 10/8/2015, đồng chí Vũ Văn Hiếu vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quí: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”.

Share:

Mang đến cho bạn những chuyến đi tuyệt vời