Nhà tù Côn Đảo – “Địa ngục trần gian” giữa biển khơi
Nhà tù Côn Đảo, dưới sự cai trị của thực dân Pháp và chính quyền Mỹ – Việt Nam Cộng hòa, đã trở thành một biểu tượng của sự tàn bạo và khốc liệt. Với mục đích giam giữ và tra tấn các tù nhân chính trị, các chiến sĩ cách mạng và những người dân yêu nước, Côn Đảo đã được xây dựng trở thành nhà tù nổi tiếng với các hình thức giam cầm, tra tấn dã man.
Năm 1862, thực dân Pháp xây dựng nhà tù Côn Đảo trên một quần đảo biệt lập, xa đất liền, nhằm cô lập tù nhân chính trị và các chiến sĩ cách mạng. Với các hình thức tra tấn khốc liệt và điều kiện sống cực kỳ khắc nghiệt, Côn Đảo đã trở thành nơi khiến tù nhân phải chịu đựng cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần.
Quyết định số 35 ngày 01/02/1862 của Chuẩn Đô đốc, Tổng tư lệnh về việc thành lập nhà tù ở Côn Đảo.
Nguồn: TTLTQGI
Khi Pháp rút đi vào năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Mỹ tiếp quản nhà tù, mở rộng hệ thống giam giữ và tăng cường các biện pháp tra tấn. Dưới cả hai thời kỳ, Côn Đảo nổi tiếng là nơi giam giữ tàn bạo, khắc nghiệt nhất, một “địa ngục trần gian” mà những người tù nhân đã phải trải qua, đặc biệt là khu biệt lập “chuồng cọp” kiểu Pháp và “chuồng cọp” kiểu Mỹ ” đầy ám ảnh.
Tù nhân bị xiềng xích thời Pháp
Nguồn: TTBTDTQGCĐ
Nữ tù trong chuồng cọp Pháp
Nguồn: TTBTDTQGCĐ
Tồn tại trong suốt 113 năm (1862 – 1975), đã có khoảng 200.000 lượt người tù bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo và có khoảng 20.000 người đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất thiêng liêng này.
Nhà tù Côn Đảo – Trường học đấu tranh cách mạng nơi “địa ngục”
Dù bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, những người yêu nước tại Côn Đảo không hề khuất phục. Họ biến nơi đây thành “trường học cách mạng”, nơi hun đúc ý chí, tổ chức các phong trào đấu tranh và nuôi dưỡng lý tưởng độc lập, tự do cho dân tộc.
Dưới thời thực dân Pháp, nhiều cuộc nổi dậy đã nổ ra, trong đó nổi bật là cuộc nổi dậy Bãi Cạnh năm 1883. Đến thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, các phong trào chống li khai, chống chào cờ, tuyệt thực, tuyệt ẩm, và vượt ngục tiếp tục được tổ chức. Dù phải đối mặt với những hình thức tra tấn khủng khiếp, các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên quyết giữ vững lý tưởng, đấu tranh cho sự thật và bảo vệ danh dự của mình.
Báo cáo ngày 29/9/1883 của Thống đốc Nam Kỳ gửi Bộ trưởng thuộc địa về cuộc nổi dậy ngày 27/8/1883 của các tù nhân Côn Đảo ở Bãi Cạnh.
Nguồn: TTLTQGII
Năm 1932, sự ra đời của Chi bộ đặc biệt tại Banh I đánh dấu một bước ngoặt mới, với những cuộc tuyệt thực và phản kháng do Ngô Gia Tự, Nguyễn Hới cùng đồng đội lãnh đạo. Những cuộc vượt ngục táo bạo, như của Cửu Cai Trần Hoành và Nguyễn An Ninh, thể hiện tinh thần quả cảm và ý chí kiên cường.
Giữa cảnh tra tấn dã man, các chiến sĩ vẫn không từ bỏ học tập, rèn luyện, giữ vững tinh thần đấu tranh. Những cuộc vượt ngục dù thành công hay không thành công đều ghi đậm dấu ấn về một tinh thần thép không gục ngã. Côn Đảo không chỉ là chốn giam cầm mà còn là lò lửa thử thách, nơi phát sáng ngọn cờ cách mạng của những người con ưu tú, cống hiến hết mình cho lý tưởng dân tộc.
Tháng 8 năm 1950, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo được thành lập tại Banh II, đánh dấu bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của tù nhân chính trị. Trong điều kiện giam cầm khắc nghiệt, các tu nhân chính trị đã không ngừng vận động, tổ chức học tập, tuyên truyền lý tưởng cách mạng, sử dụng sách, từ điển hay các vật dụng sáng tạo như “túi nhái” để duy trì sự kết nối và tiếp tục con đường đấu tranh.
Dù chịu cảnh tra tấn man rợ, các chiến sĩ vẫn kiên trì học tập, giữ vững tinh thần đấu tranh. Côn Đảo trở thành nơi hun đúc ý chí thép, ngọn cờ cách mạng và là biểu tượng của lòng yêu nước. Trong đó, nữ anh hùng Võ Thị Sáu hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đã viết nên trang sử hào hùng bằng lòng dũng cảm, trở thành biểu tượng sáng ngời cho lý tưởng cách mạng.
Khi chế độ Việt Nam Cộng hòa và Mỹ tiếp quản Côn Đảo từ năm 1955, nhà tù tiếp tục chứng kiến những cuộc đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Dù phải đối mặt với những hình thức tra tấn tàn bạo, các tù nhân đã tổ chức các phong trào chống lại chính quyền, đòi quyền lợi và bảo vệ danh dự.
Hình ảnh khăn thêu do các nữa tù nhân tại nhà tù Côn Đảo
Nguồn: TTBTDTQGCĐ
Một trong những dấu mốc quan trọng tại Côn Đảo là việc thành lập các tổ chức Đảng ngay trong nhà tù. Dưới sự lãnh đạo của những chiến sĩ kiên trung, các tù nhân đã tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm đấu tranh, đồng thời tuyên truyền tư tưởng cách mạng. Nhiều phong trào đấu tranh mạnh mẽ tại đây đã góp phần làm lung lay nền tảng thống trị của kẻ thù.
Một số cuộc đấu tranh đáng nhớ là phong trào chống li khai, chống chào cờ, chống lăn tay tráo án, các cuộc tuyệt thực, tuyệt ẩm, vượt ngục, chống chính quyền… diễn ra trong suốt những năm tháng tù đày. Dù phải đối mặt với sự tra tấn, các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên quyết phản đối, giữ vững khí tiết và lòng trung thành với lý tưởng cộng sản.
Bút tích chống li khai của tù nhân Nguyễn Công Tộc.
Nguồn: TTBTDTQGCĐ
Ngày 01/5/1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Côn Đảo cũng được giải phóng, chấm dứt một thời kỳ đau thương nhưng đầy tự hào. Kể từ ngày đó, mảnh đất từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” đã bừng sáng trong niềm vui tự do, là minh chứng cho tinh thần bất khuất và khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam. Nhà tù Côn Đảo đã chuyển mình từ một nơi đau thương thành trường học cách mạng, nơi những chiến sĩ rèn luyện ý chí và cống hiến hết mình cho lý tưởng tự do và độc lập.
Một số hình ảnh trong triển lãm