Con thuyền lướt sóng nhẹ như bay Quyết vượt trùng dương chẳng kể ngày Nhằm thẳng mục tiêu theo một hướng Xoay tròn trời biển vững đôi tay.
Trải qua trong suốt 113 năm “Địa ngục trần gian” thực dân Pháp và Mỹ ngụy đã giam cầm nhiều chí sỹ yêu nước, chiến sỹ cách mạng kiên trung, những nữ tù và nhiều thế hệ học sinh, sinh viên xuống đường chống Mỹ Thiệu. Đặt chân tới Côn Đảo, tù nhân đã bị hứng chịu một trận mưa đòn và câu nói của cai ngục, trật tự: “Đây là Côn Đảo, chứ không phải trong đất liền”. Tất cả mọi hoạt động của người tù bị cô lập, xung quanh là biển cả mênh mông, người tù phải đối mặt với bộ máy trị tù tàn bạo tinh vi đầy thâm độc, không có một người dân giúp đỡ.
Vượt lên trên sự tàn bạo đó, nhiều thế hệ tù nhân đã tìm mọi cách vượt ngục để về đất liền liên lạc với tổ chức của đảng. Đối với người tù chính trị Côn Đảo, vượt ngục thực sự là cuộc đấu tranh sinh tử, chạy đua với tử thần, đi vào chỗ chết để tìm sự sống. Thế nhưng, dù phải chịu đựng những hình phạt man rợ, nhiều tổn thất hy sinh cũng không ngăn được ý chí, quyết tâm vượt ngục của những người tù, với khát vọng thôi thúc thoát khỏi nhà tù để trở về đất liền tiếp tục họat động cách mạng.
Có thể nói giai đoạn từ năm 1930 – 1936 là thời gian diễn ra nhiều cuộc vượt ngục do tù nhân tổ chức. Tuy nhiên Đảng ta đã chịu những tổn thất không nhỏ trong những lần vượt ngục không thành công như đồng chí Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Lương Văn Tỵ…bị mất tích giữa biển khơi.
Năm 1935, có một số đồng chí như: Tống Văn Trân, Tạ Uyên, Nguyễn Hữu Tiến…vượt về Hậu Giang và liên lạc với Xứ ủy Nam Kỳ. Nhờ đó mà sau Đại hội Đảng lần thứ nhất năm 1935, chi bộ nhà tù Côn Đảo được xem là Chi bộ Đặc biệt và Chi bộ này đã trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong tù.
Bằng mọi cách vượt ngục là tư tưởng thường trực trong những người tù kháng chiến. Năm 1951, thực dân Pháp đày lớp tù binh ra Côn Đảo, nắm bắt được tình hình và âm mưu thủ đoạn của kẻ thù tù nhân Côn Đảo không ngần ngại tính đến những phương án bạo động giải thoát mà họ vốn có sở trường.
Tháng 5/1952, địch đưa một kíp tù binh hơn 100 người mở con đường từ mũi Cá Mập tới Bến Đầm. Địch cho kíp tù binh dựng lán trong một thung lũng. Kíp thứ hai khoảng 100 tù nhân làm ở gần hơn sáng đi tối về trại bằng ô tô. Để thực hiện kế hoạch vượt đảo Đảo ủy đã vạch ra kế hoạch chi tiết cho anh em toàn đảo. Trong 6 tháng ròng rã, mỗi bộ phận chuẩn bị một công việc, tất cả bí mật âm thầm cho một cuộc vượt ngục có một không hai trong lịch sử nhà tù Côn Đảo. Xuất thân từ những người thợ mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả, họ đã thiết kế hầm, chống theo kiểu chống lò để lắp ráp thuyền. Tối đến tổ chức ca hát lôi kéo binh lính, vừa gây cảm tình và lấp tiếng động đào hầm trong lán.
Ngày 12 tháng 12 năm 1952, đồng chí Phan Du phất chiếc khăn trắng trên không hô xung phong, đồng loạt đều bày binh bố trận tóm gọn quân lính, tuy nhiên có sự trục trặc và không suôn sẻ. Đảo ủy tiến hành giải thoát theo hướng giải thoát bộ phận, năm thuyền lần lượt giương buồm ra biển cả, thuyền đi ra khơi, gió từ từ chuyển hướng. Sóng to làm thuyền đầy nước trong khoang, vải bọc thuyền lâu ngày bị mục, khung thuyền yếu nên thuyền di chuyển chậm. Sau đó địch phát hiện ra lệnh báo động toàn đảo, điện về đất liền yêu cầu máy bay trực thăng và tàu chiến truy đuổi, số tù nhân còn sống bị địch bắt lại 117 người, hy sinh trên biển 81 người.
Cuộc vượt ngục của tù binh Bến Đầm tuy không thành công nhưng đã làm rung chuyển toàn bộ nhà tù Côn Đảo và tác động mạnh mẽ đến dư luận xã hội. Đây là cuộc vượt ngục có quy mô lớn và thu hút được đông đảo tù nhân hăng hái tham gia nhất trong lịch sử vượt ngục tại nhà tù Côn Đảo. Cuộc chiến đấu giải thoát tù binh ở Bến Đầm đã chứng minh một điều rằng phương án giải thoát Nhà tù Côn Đảo của Đảng bộ nhà tù vạch ra đã thể hiện tinh thần tiến công cách mạng to lớn, dám nghĩ, dám làm, thể hiện rõ tư tưởng “Đem sức ta tự giải phóng cho ta” trong hoàn cảnh ngục tù cũng như đối với phong trào đấu tranh cách mạng ở nhà tù Côn Đảo.
Sang giai đọan kháng chiến chống Mỹ, điển hình cuộc chiếm tàu địch vượt đảo của 57 tù nhân kíp dọn tàu. Vào sáng ngày 27/2/1965, khi tàu TSC 132 vào vịnh Côn Sơn, kíp dọn tàu gồm 47 tù nhân Sở Lưới xuống xà lan để ra tàu. Tất cả đã bám chắc mục tiêu nhận được tín hiệu phát lệnh tấn công, người tù đã làm chủ được tình hình, tất cả diễn ra trong vòng 5 phút, trong khi đó địch không hề biết gì. Khoảng 20h tối, chiếc xà lúp đã khởi hành đến khoảng 8h sáng 28/2, tàu đã cập an toàn vào bờ biển vùng giải phóng Bạc Liêu.
Kế thừa tổ chức và đấu tranh của thế hệ tù nhân đi trước, lớp tù nhân kháng chiến vẫn tiếp tục đấu tranh và tổ vượt ngục với khẩu hiệu “Chưa từng một lần vượt ngục – chưa phải tù Côn Đảo”. Dù trong bất cứ hòan cảnh nào họ vẫn luôn sống và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì mục tiêu lý tưởng cách mạng mà mình đã chọn. Đánh giá về vai trò của những người tù cách mạng Côn Đảo khi được trở về, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Mỗi lần có những người tù vượt ngục, được thả hoặc mãn hạn trở về, nhà tù Côn Đảo lại cống hiến cho đất nước những người chiến sỹ được thử thách và đào tạo, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên”.
Tập thể 08 người tù (có đồng chí Nguyễn Quốc Thể) vượt đảo ngày 28/2/1952, thành công về Cà Mau bằng thuyền vải tự tạo.
Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo
Lê Văn Việt hay Nguyễn Văn Hai (1937 – 1966), quê quán Thủ Đức. Bị Mỹ – Việt Nam Cộng hòa bắt, kết án tử hình đày ra nhà tù Côn Đảo năm 1965. Đêm ngày 12/10/1966, đồng chí trổ mái ngói phòng 3 Trại 2 vượt ngục nhưng không thành công. Đồng chí hy sinh năm 1966.
Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo
Chiến tranh và những năm tháng ngục tù đã lùi xa hơn 40 năm, cũng chừng ấy thời gian Côn Đảo đang từng ngày chuyển mình đi lên rạng rỡ cùng đất nước. Ngày nay, Côn Đảo đã và đang từng bước phát triển, biển Côn Đảo thanh bình, giàu đẹp với những đoàn tàu đang lướt sóng ra khơi. Trong mỗi chúng ta chẳng ai có thể quên một thời quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của Côn Đảo, có những lúc như chợt thấy nơi chốn xa xăm hình bóng con thuyền thô sơ nhỏ nhoi trong đêm tối mịt mùng, chở những người tù cách mạng đang âm thầm vượt bão tố trùng dương, mang sức lực, máu xương của mình trở về đất liền đóng góp cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Thu Yến