Tin tức - Sự kiện

Hành trình phương Nam

10:32:45 AM - 21/05/2014

 

      Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện được hơn 100 buổi sinh hoạt với nhiều chủ đề cho các em học sinh, tại nhiều địa phương khác nhau. Lần này, chúng tôi, những cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng vinh dự được đưa mô hình này vào phương Nam, đến tận nơi cuối cùng của dải đất hình chữ S.

      Đây là chuyến đi đặc biệt đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014). Chúng tôi đã xây dựng nhiều chủ đề với các nội dung khác nhau như: “Âm vang Điện Biên”, “Trận quyết chiến chiến lược”, “Chiến trường Nam bộ chia lửa với Điện Biên”, “Bác Tôn - Câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư”, “Côn Đảo - nơi ấy đừng quên”.

      Lịch làm việc của đoàn được lên kế hoạch khá chi tiết, đến Thành phố Hồ Chí Minh vào tối thứ Bẩy (26/4). Sáng 25 làm việc với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, buổi chiều thực hiện Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” ngay tại Phòng Bồ câu trắng của Bảo tàng với chủ đề “Âm vang Điện Biên”, phần đầu các em được xem những hình ảnh về trận quyết chiến chiến lược của bộ đội ta tại chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếp theo là bộ phim tư liệu 56 ngày đêm về chiến dịch lịch sử quan trọng này, sau đó là ba hoạt động chơi (Hành trình chiến thắng; Mật mã lịch sử; Đoán nhanh đoán đúng) dành cho 50 em học sinh Trường THCS Bàn Cờ, Quận 3; Ngày 26/5, buổi sáng chúng tôi làm việc tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, cán bộ hai bảo tàng trao đổi nghiệp vụ chuyên môn về công tác hướng dẫn khách, tham quan hệ thống trưng bày của bảo tàng và buổi chiều 13 giờ 30, diễn ra buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Bác Tôn - Câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư”, với những hoạt động chơi trí tuệ, thể chất, các em được tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Thông qua những câu chuyện, bức thư của Bác Tôn gửi cho con cháu, chúng ta càng hiểu hơn về phí phách cũng như tâm hồn người cộng sản, không chỉ nhân dân Việt Nam mến mộ, khâm phục, kính trọng mà cả các bạn quốc tế, cụ thể là  nước Nga Xô viết đã tôn vinh và tặng ông danh hiệu “Vì hòa bình”, đây là buổi sinh hoạt mang tính giáo dục cao cho thế hệ trẻ hôm nay; Đặc biệt là 2 ngày lễ (30/4 và 1/5) chúng tôi đã tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tại Bảo tàng Tiền Giang (Thành phố Mỹ Tho), thành phần tham dự là lãnh đạo Sở Văn hóa, Sở Giáo dục, cán bộ Đoàn cơ sở, giáo viên một số trường lân cận và gần 100 em học sinh Trường THCS Xuân Diệu. Các em được nghe thuyết minh giới thiệu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua hơn 80 bức ảnh, trưng bày trên những tấm pa nô, phần nào giúp cho các em hiểu được một chiến dịch đã “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà bộ ảnh “Âm vang Điện Biên” mang lại. Rồi các hoạt động chơi của Câu lạc bộ đã đưa các em quay lại 60 năm về trước, bộ đội ta đã chiến đấu kiên cường, anh dũng, buộc thực dân Pháp phải rút khỏi Việt Nam. Các hình ảnh, câu chuyện đã làm các em vô cùng thú vị, câu hỏi, trò chơi luôn là “cú hích” để các hoạt động sôi nổi, ganh đua, gay cấn, màu cờ sắc áo làm khán phông luôn trở lên trật trội; Ngày 2/5, vẫn còn là ngày nghỉ, vậy mà chúng tôi tiếp tục thực hiện tại Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam bộ (Cục Chính trị Quân khu 7), đối tượng lần này bắt đầu thú vị hơn, đó là các đội chơi đến từ Đoàn cơ sở Cục Chính trị Quân khu, Đoàn Cơ sở Lữ đoàn Thông tin 23, Đoàn Cơ sở Tiểu đoàn cảnh vệ 180 và 100 em học sinh Trường THPT Phú Nhuận (Quận Phú Nhuận, TP. HCM). Số lượng tham gia khá đông (190 người). Ngoài phần tham quan tại Bảo tàng Quân khu 7, chương trình Câu lạc bộ gồm 4 hoạt động, đó là Hành trình chiến thắng, Mật mã ô chữ, Đoán nhanh đoán đúng, Chia lửa với Điện Biên. Bảo tàng này đã và đang trưng bày trận đánh “Phú Thọ Hòa”, đây là trận đánh tiêu biểu của quân và dân miền Nam, chia sẻ, đóng góp với nhân dân miền Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Cuối cùng chúng tôi đến một nơi mà không phải nhiều người đã được đến - đó là Côn Đảo, địa danh được coi là chốn “địa ngục trần gian” với hệ thống nhà tù và những hình thức tra tấn tù nhân vô cùng man rợ, khủng khiếp. Đây cũng chính là nơi ghi dấu tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, ý chí sắt đá của hàng vạn chiến sĩ cộng sản trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, thông nhất đất nước. Tại đây chúng tôi tổ chức hai buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, đó là: “Côn Đảo - nơi ấy đừng quên” và “Âm vang Điện Biện” đối tượng chưa phải là các em học sinh, mà chính là các chiến sĩ bộ đội và công an nhân dân.

      Từ trước đến nay các chương trình thực hiện, đều hướng tới đối tượng học sinh phổ thông (từ Tiểu học, Trung học Cơ sở đến Trung học Phổ thông) và thời gian thực hiện là các buổi sáng hoặc buổi chiều. Nhưng lần này lại hoàn toàn khác, Ban Quản lý Di tích Côn Đảo phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” vào buổi tối, những người chơi là các chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ biên cương hải đảo. Cả đoàn đều bị cuốn hút bởi sự tham gia nhiệt tình, tìm hiểu miệt mài lịch sử, thậm chí cả việc tra Google của các anh lính trẻ đã mang lại sự thú vị, hồi hộp truyền cảm hứng cho chúng tôi và cuối cùng chương trình được đánh giá rất thành công với số lượng khách mời đến tham dự tối 5/5 là gần 300 người (trong đó 150 chiến sỹ, 82 cán bộ của Ban Quản lý Di tích, đại diện lãnh đạo các đơn vị, đoàn thanh niên 30 khách). Chương trình thực hiện tại Côn Đảo đã nhận được Giấy khen của UBND huyện Côn Đảo cho toàn đoàn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và hai cá nhân, đó là ThS Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng và ThS Nguyễn Thị Kim Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”.

      Chuyến hành trình phương Nam đã được các bạn đồng nghiệp tại các địa phương nơi chúng tôi đến đánh giá cao về sự phối hợp tổ chức các chương trình và chuyến đi đã thực hiện được 6 buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, 4 buổi giao lưu với các bảo tàng bạn. Tất cả chúng tôi đều có chung cảm nhận, phải chăng, nếu đường xá không quá xa xôi, mình sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, chắc chắn sân chơi này sẽ còn tiếp tục được tỏa sáng sâu và rộng hơn nữa.

 

                                                               ThS. Nguyễn Kim Thành

                                                             Phòng Giáo dục, Công chúng

 

 

 

 

Gửi Cảm Nhận

  •  

    • imgUploaded 
    • imgUploaded